HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM

Còn 2 ngày nữa sẽ thay đổi giá xăng

TT năng lượng tuần qua:Giá xăng điều chỉnh giảm, khí gas không đổi, dầu thế giới tăng

Thứ Ba, 20/08/2019 03:13
  Thị trường năng lượng tuần qua trong nước chứng kiến giá xăng dầu được Liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giảm lần thứ hai liên tiếp kể từ đầu tháng 8/2019, giá khí gas không đổi

 

Chiều 16/8, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó sau khi thực hiện việc trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Liên Bộ điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường:

Xăng E5RON92: giảm 544 đồng/lít;

Xăng RON95-III: giảm 514 đồng/lít;

Dầu diesel 0.05S: giảm 519 đồng/lít;

Dầu hỏa: giảm 570 đồng/lít;

Dầu mazut 180CST 3.5S: giảm 1.855 đồng/kg.

Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá:

Xăng E5RON92: không cao hơn 19.358 đồng/lít;

Xăng RON95-III: không cao hơn 20.405 đồng/lít;

Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 16.504 đồng/lít;

Dầu hỏa: không cao hơn 15.396 đồng/lít;

Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.072 đồng/kg.

Mức giá này được áp dụng từ 15h ngày 16/8.

Như vậy, đây là lần thứ 2 liên tiếp giá xăng dầu được điều chỉnh giảm kể từ đầu tháng 8. Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 1/8), giá xăng E5RON92 giảm 377 đồng/lít; xăng RON95 giảm 316 đồng/lít...

Mức giá xăng dầu sau khi điều chỉnh

Nguồn: Petrolimex

Trong kì điều chính lần này, Liên Bộ Trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít; trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng RON95 và các loại dầu ở mức 500 đồng/lít. Đồng thời, Liên Bộ không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sau khi điều chỉnh

Nguồn: Petrolimex

Giá khí gas không đổi khi chưa có thông báo mới. Hiện giá gas ở mức 306.000 đồng/bình 12 kg và 1.583.000 đồng/bình 45 kg.

Trên thế giới, giá dầu tuần qua theo xu hướng tăng. Giá dầu đã tăng trong bối cảnh các nhà giao dịch cân nhắc giữa triển vọng nhu cầu yếu đi và những yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguồn cung.

Giá dầu tăng trong phiên cuối tuần cũng như trong cả tuần giao dịch vừa qua, trong bối cảnh các nhà giao dịch cân nhắc giữa triển vọng nhu cầu yếu đi và những yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguồn cung như vấn đề Trung Đông và sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 9/2019 tăng 40 xu, hay 0,7%, chốt phiên cuối tuần qua ở mức 54,87 USD/thùng, sau khi chạm mức cao 55,67 USD/thùng trong phiên tại Sàn giao dịch hàng hóa New York.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2019 tăng 41 xu, hay 0,7%, lên 58,64 USD/thùng tại sàn ICE Futures Europe.

Theo Dow Jones Market Data, giá dầu WTI khép lại tuần qua với mức tăng 0,7% trong cả tuần, trong khi giá dầu Brent tăng 0,2%.

Nhà phân tích Jason Gammel tại Jefferies cho rằng, giá dầu Brent biến động trong tuần giao dịch vừa qua do các tin tức về thuế, lo ngại về nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ, và những rủi ro đối với nhu cầu sẽ vẫn tác động đến lòng tin của thị trường trong tương lai gần.

Trong báo cáo tháng công bố ngày 16/8, OPEC đã hạ dự báo mức tăng nhu cầu dầu toàn cầu năm nay đi 40.000 thùng/ngày, xuống 1,1 triệu thùng/ngày.

Tổ chức này giữ nguyên dự báo cho năm tới ở mức 1,14 triệu thùng/ngày. OPEC cũng hạ dự báo về mức tăng nguồn cung ngoài tổ chức này trong năm nay và năm tới.

Giám đốc điều hành Sun Global Investments, Mihir Kapadia, cho rằng bức tranh chung cho thấy những khó khăn sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2020 và lòng tin vào nền kinh tế đang yếu đi.

Theo ông, các chính sách hạn chế sản lượng của OPEC là cần thiết để cân bằng thị trường, nhưng với các yếu tố khác như bất đồng thương mại vẫn tiếp diễn, giá dầu sẽ chịu sức ép lớn.

Thị trường dầu mỏ đi xuống từ đầu tháng này, giảm hơn 20% so với các mức cao gần đây. Giá dầu WTI giảm 6,5% trong tháng, trong khi giá dầu Brent giảm gần 10%.

Giá dầu giảm do loạt số liệu về kinh tế toàn cầu yếu và sự đảo ngược của đường cong lãi suất trái phiếu của Mỹ được xem là dấu hiệu cảnh báo suy thoái. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang đã gây thêm lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu.

Theo nhà phân tích về hàng hóa của Schneider Electric, Robbie Fraser, khả năng đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về các vấn đề thương mại trong tương lai gần có thể tạo động lực mua vào, nhưng cũng là yếu tố gây biến động thị trường nếu đàm phán không đạt tiến triển.

Tại thị trường khí tự nhiên trong tuần xu hướng tăng. Chốt phiên giao dịch ngày 16/8, giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn của Mỹ đã tăng hơn 4% do dự trữ thấp hơn dự kiến và dự báo thời tiết nóng hơn, nhu cầu làm mát cao hơn vào tuần tới.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), dự báo cả cung và cầu khí đốt tự nhiên đều tăng trong tuần này.

Dự trữ khí đốt tự nhiên được ước tính cao hơn 13% so với cùng kì năm ngoái và thấp hơn 4% so với trung bình 5 năm, theo FXempire.

Bên cạnh đó, EIA dự báo việc lưu trữ khí đốt tự nhiên trong giai đoạn từ tháng 4 - tháng 10/2019 sẽ vượt xa mức trung bình 5 năm. Tồn kho sẽ tăng lên hơn 3,7 Tcf vào cuối tháng 10, cao hơn 16% so với tháng 10/2018.

Ngoài ra, Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) dự kiến thời tiết ở Mỹ sẽ nóng hơn bình thường trong 6 - 10 hoặc 8 - 14 ngày tới.

EIA cho biết các nhà máy đã bổ sung thêm 49 tỷ feet khối (bcf) khí vào kho dự trữ trong tuần kết thúc ngày 9/8, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 58 bcf trong một thăm dò của Reuters. Đưa dự trữ lên 2,738 nghìn tỷ feet khối tcf, thấp hơn 3,9% mức 2,849 tcf trung bình tại thời điểm này trong 5 năm.

Giá khí đốt kỳ hạn tháng 9/2019 trên Sàn New York đã tăng 8,9 cent, tương đương 4,2%, đạt mức 2.232 USD/triệu mmBtu. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất và mức tăng phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ 31/7.
 

Nguồn tin: vinanet.vn

Thêm bình luận

Họ tên
Email

Giá xăng Trong nước Thế giới

Sản phẩm Vùng 1 Vùng 2
Đối tác