Xăng dầu Hàn Quốc ồ ạt về Việt Nam: Lo thất thu thuế
Xăng dầu Hàn Quốc chiếm 22,5% tổng lượng xăng dầu về Việt Nam
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 9,5 triệu tấn xăng dầu thành phẩm, trị giá hơn 5 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng xăng dầu nhập khẩu tăng 8,8%, giá trị nhập khẩu tăng 39,4%. Số liệu cũng cho thấy, trong số 5 thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với hơn 2,1 triệu tấn. Các DN xăng dầu Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Singapore với 3,4 triệu tấn, sau đó là Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc.
Việc tập đoàn xăng dầu Nhật Bản Indemitsu Kosan tham gia bán lẻ xăng dầu được coi là động lực mới thúc đẩy sự cạnh tranh trong thị trường xăng dầu ở Việt Nam hiện nay. Ảnh: Diệu Thùy.
Bóc tách số liệu cho thấy, nếu so với cùng kỳ năm trước, lượng xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc đã tăng gấp đôi (10 tháng năm 2016 số lượng xăng dầu nhập từ Hàn Quốc lên đến 1,25 triệu tấn). Còn nếu so với cùng kỳ của năm 2015, lượng xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc đã tăng tới gần 10 lần (10 tháng của năm 2015 các DN Việt nhập khẩu 185 nghìn tấn xăng dầu từ Hàn Quốc). Nguồn xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc hiện đã chiếm 22,5% tổng lượng xăng dầu nhập về Việt Nam trong 9 tháng qua. Còn riêng với mặt hàng xăng, 9 tháng đầu năm 2017, có đến 90% kim ngạch nhập khẩu mặt hàng xăng được nhập từ Hàn Quốc với lượng nhập lên tới gần 2,28 triệu tấn.
Việc các DN xăng dầu trong nước đổ xô chuyển hướng tăng lượng nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc, theo thông tin từ các DN xăng dầu đầu mối, là do theo các cam kết FTA Việt Nam – Hàn Quốc, xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc từ đầu năm 2016 chỉ chịu thuế nhập khẩu 10%, bằng một nửa so với xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN hay các nước Ả Rập (hiện bị áp thuế nhập khẩu ở mức 20%). Việc các DN xăng dầu đầu mối tăng nhập từ Hàn Quốc cũng do nguồn cung từ thị trường này rất dồi dào, và DN luôn được đáp ứng nhu cầu đặt hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện.
Sửa thuế nội địa để không ảnh hưởng nguồn thu
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, thực tế nguồn cung xăng dầu của các DN trong nước vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ các nước trong khu vực, trong đó, những nước có ký kết hiệp định thương mại tự do như Hàn Quốc sẽ có nhiều lợi thế hơn về thuế nhập khẩu, dẫn tới lượng nhập về nhiều. Với xu thế toàn cầu hóa, tự do thương mại, mặt hàng nào đáp ứng nhu cầu của người dân với giá cả hợp lý, thái độ phục vụ tốt, điển hình như việc đại gia xăng dầu lớn thứ 2 Nhật Bản – Indemitsu Kosan tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam vừa qua càng giúp thúc đẩy sự cạnh tranh và người tiêu dùng càng hưởng lợi.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ông Phan Thế Ruệ cho rằng, hiện giá xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc có cao hơn so với các thị trường khác nhưng với lợi thế thuế nhập khẩu mặt hàng xăng chỉ bằng 1/2 mức thuế nhập khẩu từ khu vực khác nên dù phải mua với giá cao, giá xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc tính chung vẫn rẻ hơn, DN vẫn được lợi hơn.
Theo ông Ruệ, dù có mức thuế nhập khẩu xăng là 10% nhưng trong số các DN đầu mối không phải đơn vị nào cũng có thể được hưởng mức thuế này do phải xin được giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) Hàn Quốc. “Với các DN xăng dầu đầu mối nhỏ, để có được C/O này, thường sẽ phải chấp nhận mức giá mua cao hơn so với các DN đầu mối lớn”, ông Ruệ cho hay và cảnh báo do có mức chênh lệch thuế rất lớn giữa Hàn Quốc và ASEAN nên có thể có tình trạng gian lận xuất xứ để được hưởng ưu đãi. Và khi các DN tìm cách lách để hưởng thuế suất thấp thì ngân sách Nhà nước sẽ bị suy giảm. Với lượng xăng nhập khẩu lên tới vài triệu tấn năm, đây sẽ là số tiền rất lớn, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Để không bị thất thu ngân sách, theo ông Ruệ, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã từng kiến nghị lên Quốc hội và Chính phủ nâng thuế nội địa của mặt hàng xăng dầu để bù đắp chênh lệch về thuế nhập khẩu ở các thị trường.
“Thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc chỉ 10% trong khi từ ASEAN là 20%. Đây là sự vô lý, là một lỗi lớn khi đi đàm phán đã không thống nhất được một mức thuế. Để khắc phục, với mặt hàng xăng giờ chỉ có thể sửa bằng nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu từ 10% lên 11%, cùng đó tăng thuế VAT lên một ít thì khi đó nguồn thu ngân sách sẽ không bị ảnh hưởng, bởi vì giờ không thể sửa đổi các cam kết đã ký được”, Chủ tịch VINPA nói.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương và các DN xăng dầu đầu mối, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước giai đoạn từ năm 2018-2022 trung bình đạt khoảng 6,5 triệu tấn xăng và 8,5 triệu tấn dầu DO. Trong khi đó, với công suất thiết kế của NMLD Dung Quất và Nghi Sơn hiện tại, từ năm 2018 tổng nguồn cung xăng của cả nước đạt khoảng gần 6 triệu tấn/năm và tổng nguồn cung dầu khoảng gần 7 triệu tấn/năm, đáp ứng khoảng 92% và 82% nhu cầu nội địa.
Với tình hình cân đối cung cầu xăng dầu hiện tại, mỗi năm Việt Nam thiếu hụt trung bình khoảng 0,8 triệu tấn xăng và 1,8 triệu tấn dầu DO. Nguồn xăng dầu thiếu hụt này sẽ được nhập khẩu từ các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Thêm bình luận
Các tin khác
- Doanh nghiệp bán xăng A92 giả ở Nghệ An kêu oan (Thứ Năm, 26/10/2017 08:18)
- Doanh nghiệp kêu khó, xin tăng thuế xăng dầu (Thứ Sáu, 12/12/2014 08:53)
- Giá xăng trong nước sẽ giảm? (Thứ Bảy, 29/11/2014 10:18)
- "Dòng chảy vàng đen" đổi chiều (Thứ Tư, 16/07/2014 12:00)
- IEA: Xuất khẩu dầu của Iraq phục hồi trong tháng Bày này (Thứ Tư, 16/07/2014 12:00)
- Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành 100% công suất (Thứ Tư, 16/07/2014 12:00)
- Indonesia có thể trở thành nhà nhập khẩu ròng khí đốt vào 2020 (Thứ Ba, 15/07/2014 09:46)
- OPEC: Nhu cầu dầu mỏ của thế giới tiếp tục tăng trong năm 2015 (Thứ Ba, 15/07/2014 09:44)
- Quảng Ngãi: 81% cửa hàng xăng dầu bán xăng E5 (Thứ Hai, 14/07/2014 12:00)
- Không khí nước rút ở "chảo lửa" Dung Quất (Thứ Hai, 14/07/2014 12:00)
Giá xăng Trong nước Thế giới
Sản phẩm | Vùng 1 | Vùng 2 |