Cần kiểm soát hành vi “bắt tay” tăng giá
Bộ Công Thương cho biết, hiện có 21 doanh nghiệp (DN) đầu mối tham gia kinh doanh xăng dầu. Trong đó, Petrolimex chiếm trên 50% thị phần. Để kinh doanh xăng dầu theo hướng thị trường và giảm vị thế độc quyền, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu cho phép thêm nhiều DN tham gia kinh doanh xăng dầu.Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa có động thái gì.
Ngày 14/7, trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đúng là Thủ tướng có văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, kế hoạch tới đây triển khai thế nào, phải chờ Chính phủ thông qua dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu.
Liệu Petrolimex có lo giảm thị phần, trả lời Tiền Phong, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, ủng hộ việc cấp phép cho nhiều DN đầu mối tham gia kinh doanh. “Tuy nhiên, khi cấp phép cho DN mới, nên cân nhắc tới việc kinh doanh ở địa bàn nào cho hợp lý. Tránh tình trạng, sau khi cấp phép, DN mới chỉ hoạt động ở nơi thuận lợi mà bỏ trống địa bàn khó khăn”, ông Năm nói.
Theo ông Năm, thực tế hiện nay, các DN đầu mối nhỏ chỉ “bám” ở các địa bàn thuận lợi, còn ở những địa bàn khó khăn, do chi phí vận chuyển cao nên chỉ có Petrolimex mới dám làm.
Bà Trần Thị Thu Hương, Chủ tịch kiêm TGĐ Cty Xăng dầu Hà Giang (thuộc Petrolimex) cho biết, dù có mở cửa tối đa, các DN khác cũng khó lên Hà Giang để kinh doanh xăng dầu. Lý do, chi phí vận chuyển và các chi phí khác quá lớn. “Thực tế, hiện duy chỉ Petrolimex Hà Giang là dám cung cấp xăng dầu tới những huyện vùng sâu, xa như Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì...; 3 DN còn lại (PVOil, Cty Hải Linh, Xăng dầu Quân đội) chỉ kinh doanh ở những khu vực thuận lợi với gần 30% thị phần”, bà Hương nói.
Bình luận về vị thế thống lĩnh của Petrolimex hiện nay, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói: Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, không phải ai cũng có thể làm được. Do đó, việc có nên cấp phép thêm DN kinh doanh xăng dầu, cần phải cân nhắc thận trọng.
Theo ông Doanh, có nhiều hay ít DN tham gia kinh doanh xăng dầu không quan trọng bằng việc phải kiểm soát được hành vi các DN xăng dầu “bắt tay” tăng giá.
Qua theo dõi, mỗi lần tăng giá, các DN đều tăng cùng một lúc và cùng một mức giá. Ở đây, rõ ràng có hiện tượng liên minh. Cũng theo ông Doanh, lâu nay can thiệp của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) chưa rõ ràng. Với việc Bộ Công Thương thêm quyền điều hành giá xăng dầu, dư luận càng lo tới đây Bộ này “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Bỏ độc quyền, cách nào?
Để bỏ vị thế độc quyền, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh kiến nghị nên tách Petrolimex thành 3 tổng công ty. Một chuyên về nhập khẩu xăng dầu, một phân phối bán buôn và một chuyên về bán lẻ. “Làm được như vậy, việc hạch toán sẽ rõ ràng. Tránh nhập nhằng và lo lắng về giá cơ sở như hiện nay”, ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, hiện, giá xăng dầu đang ở mức cao, nhưng vì sao Bộ Công Thương lại cho phép DN cứ 15 ngày nâng giá một lần. “Làm thế này, nhiều DN sẽ chết dở. Như DN kinh doanh taxi, nếu xăng dầu 15 ngày nâng giá một lần, họ sẽ không thể xoay xở kịp. Việc điều chỉnh giá cước đối với hàng ngàn chiếc taxi sẽ khiến DN tăng chi phí lớn và gặp rất nhiều khó khăn”, ông Doanh nói.
Cũng theo ông Doanh, việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu hiện có vấn đề. Quỹ bình ổn là thu từ dân, chứ không phải tự nhiên mà có. Đã thế, người dân lại không được quản lý quỹ mà Bộ Công Thương giao cho DN.
“Nếu so sánh xăng dầu với lĩnh vực kinh doanh mạng di động, rõ ràng lĩnh vực này DN ít hơn. Tuy nhiên, các DN kinh doanh mạng di động lại cạnh tranh rất hiệu quả. Vì cạnh tranh hiệu quả nên giá dịch vụ liên tục giảm, có lợi cho người tiêu dùng” .
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Đồng quan điểm, TS. Ngô Trí Long cũng khẳng định, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. DN phải đáp ứng những điều kiện nhất định mới có thể tham gia. Còn với các DN chiếm thị phần lớn, nhất thiết phải chia tách nhỏ ra, có thể thực hiện cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo ông Long, để xác định độc quyền hay cạnh tranh, phải căn cứ vào mức độ chiếm lĩnh thị trường. Theo Luật Cạnh tranh, nếu một DN chiếm trên 30% thị phần, đó là thống lĩnh thị trường, là độc quyền. Ở Việt Nam, xăng sản xuất trong nước mới đáp ứng được 30% nhu cầu, còn 70% phải nhập khẩu và do 21 DN đầu mối thực hiện (riêng Petrolimex chiếm trên 50% thị phần). Thực chất thị trường xăng dầu Việt Nam mang tính độc quyền.