HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM

Còn 3 ngày nữa sẽ thay đổi giá xăng

Trung Quốc ngang ngược đòi Việt Nam rút tàu mới đàm phán

Thứ Ba, 13/05/2014 12:00
Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình hôm 8-5 cho rằng sự việc diễn ra ở khu vực lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam ở biển Đông mấy ngày qua không phải là một cuộc “đụng độ”, dù Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trưng ra đầy đủ hình ảnh và chứng cứ cho thấy tàu của họ hung hăng đâm rách tàu Cảnh sát biển Việt Nam và làm bị thương sáu nhân viên kiểm ngư.

 Ông Trình chối bỏ những cáo buộc Trung Quốc đã hành động hung hăng ở biển Đông, chẳng những thế vị thứ trưởng ngoại giao này vẫn nói rằng Trung Quốc và Việt Nam có thể giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình bằng đàm phán. “Tôi cho rằng đó không phải là đụng độ mà chỉ là bất đồng quan điểm trong một số vùng tranh chấp” - ông Trình trả lời báo chí bên lề một hội nghị ở Bắc Kinh.

Chưa hết, vị thứ trưởng ngoại giao này còn cho rằng khu vực đang tranh chấp là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, do đó Trung Quốc vẫn sẽ bảo vệ lợi ích cốt lõi và chủ quyền của mình.

Trái ngược với tuyên bố trước đó của Thứ trưởng ngoại giao Trình Quốc Bình, Dịch Tiên Lương - vụ phó Vụ đại dương và biên giới thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc - tối 8-5 đổ lỗi cho Việt Nam cố tình va chạm với tàu Trung Quốc trên biển Đông. Ông Dịch ngang ngược cho rằng phía Trung Quốc đã “hết sức kiềm chế” khi chỉ sử dụng vòi rồng và khẳng định Bắc Kinh chỉ gửi tàu dân sự tới khu vực này. Tuy nhiên ông Dịch lại nói rằng Trung Quốc sẵn sàng cố gắng giải quyết vấn đề với Việt Nam thông qua đối thoại nhưng Việt Nam phải rút tàu về trước.

Nhật: Sự bành trướng của Bắc Kinh là mối quan ngại

Trong hai ngày 7 và 8-5, chính phủ một số nước đã lên tiếng quan ngại về hành động đơn phương khiêu khích ở biển Đông của Trung Quốc. Ngày 8-5, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Tokyo quan ngại sâu sắc hành động của Trung Quốc ở biển Đông. Ông Suga nhấn mạnh Trung Quốc nên giải thích chi tiết những hoạt động của mình với Việt Nam và cộng đồng quốc tế vì hòa bình và ổn định ở biển Đông là vấn đề quan tâm của cộng đồng quốc tế và nên được giải quyết theo con đường hòa bình thông qua đối thoại. “Tôi cho rằng tình hình hiện nay là một ví dụ rõ ràng cho việc đơn phương khiêu khích và lặp đi lặp lại của Trung Quốc trên biển” - ông Suga nói.

Cùng ngày, Hãng tin Kyodo dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida từ Paris, Pháp nhấn mạnh Trung Quốc cần tránh hành động đơn phương trên biển Đông.

Báo Wall Street Journal hôm 7-5 dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ châu Âu cho rằng những căng thẳng đang diễn ra ở biển Đông là do Trung Quốc đơn phương dùng vũ lực gây ra. Ông Abe cho rằng tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng, xuất phát từ những tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc buộc các nước trong khu vực phải tăng cường cảnh giác trước mọi động thái của nước này.

Thủ tướng Abe nhấn mạnh: “Chúng tôi không chấp nhận việc dùng vũ lực và áp bức nhằm làm thay đổi hiện trạng của khu vực. Chính sách đối ngoại và sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh đang trở thành mối quan ngại cho cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản”.

Bộ Ngoại giao Singapore cũng lên tiếng khẳng định chính phủ nước này rất quan ngại về những diễn biến mới đây ở biển Đông. Singapore hối thúc các bên tuân thủ đầy đủ Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC) và xử lý xung đột một cách hòa bình theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Singapore sẽ tiếp tục hối thúc ASEAN và Trung Quốc hợp tác để sớm đạt được thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

John McCain: Ngay lập tức trả lại nguyên trạng khu vực này

Cùng ngày, thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã ra thông cáo chỉ trích những hành động của Trung Quốc là khiêu khích và đi ngược với luật pháp quốc tế. “Quyết định của Trung Quốc về việc thăm dò khai thác dầu ngoài khơi bờ biển Việt Nam cộng với việc triển khai hàng chục tàu hải quân để hỗ trợ hành động khiêu khích này là mối quan ngại sâu sắc và chỉ làm căng thẳng leo thang ở biển Đông” - thông cáo có đoạn viết.

Thông cáo cho rằng việc các tàu Trung Quốc kéo thành từng đàn và đâm vào các tàu Cảnh sát biển Việt Nam là hành động quấy rối hung hăng trên biển. Trung Quốc phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi cố ý đơn phương làm thay đổi hiện trạng ở biển Đông. Thượng nghị sĩ McCain cho rằng Trung Quốc đang khoan thăm dò khai thác dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vốn được xác định rõ ràng theo luật pháp quốc tế. “Bổn phận của các quốc gia có trách nhiệm là lên tiếng yêu cầu giới lãnh đạo Trung Quốc ngay lập tức thực hiện các bước cần thiết để giảm căng thẳng và trả lại nguyên trạng của khu vực này” - thông cáo viết.

Nguồn Tuổi trẻ

Thêm bình luận

Họ tên
Email

Giá xăng Trong nước Thế giới

Sản phẩm Vùng 1 Vùng 2
Đối tác