Truy trách nhiệm 'lỗ hổng' giá xăng dầu
Đeo đuổi câu chuyện giá xăng suốt các kỳ họp, đại biểu (ĐB) Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nhắc lại bất cập trong quản lý khiến giá xăng nhập nhằng lỗ lãi, không minh bạch; các bộ trưởng quy lỗi cho Nghị định 84 và hứa sửa nhưng tới nay chưa sửa. Bà Nga nói: “Tôi kiên nhẫn nhiều lần đòi nợ lời hứa này nhưng đến nay không có kết quả, điều này đồng nghĩa với việc những hạn chế nêu trên còn tồn tại và thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng. Cách sửa nghị định này rất khó hiểu, cứ mấy tháng đưa ra bàn thảo một lần xong lại để đấy. Trước kỳ họp này lại đưa ra bàn đề xuất chuyển toàn quyền điều hành giá xăng dầu sang Bộ Công thương làm nặng nề thêm tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Xin hỏi bộ trưởng Tài chính và Công thương, trách nhiệm của mình trong việc không thực hiện lời hứa”.
“Quen với sự lên xuống rồi”
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thắn thừa nhận Nghị định 84 luẩn quẩn khá lâu là có trách nhiệm của bộ. Tuy nhiên, trên tinh thần điều hành giá theo thị trường, có sự quản lý của nhà nước, Bộ trưởng Dũng cho rằng, trong 10 lần tăng giá của năm 2013 và 11 - 12 lần tăng giá trong 5 tháng đầu 2014, xét ra thì “không có lần nào gây sốc, bị giật cục”.
Suy nghĩ một cách lạc quan hơn, ông nói: “Câu chuyện giá xăng dầu rất là nhiều chuyện, chúng ta phải suy nghĩ tổng thể để điều hành cho đúng, cho trúng và mềm dẻo theo thị trường... Tuy nhiên, đến giờ thì đồng bào cả nước cũng đã quen với sự thường xuyên lên xuống của giá xăng dầu rồi”.
Lý giải về đề xuất chuyển vai trò điều hành giá xăng sang Bộ Công thương, ông Dũng cho rằng mục đích để đảm bảo sự minh bạch. Bởi theo quy định hiện hành, Bộ Tài chính chỉ quản lý nhà nước chung về giá, hướng dẫn thanh - kiểm tra, còn điều hành cụ thể Chính phủ đã giao cho từng bộ, ngành.
Nhận được “quả bóng” giá xăng, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng lập tức phân trần: “Bản thân chúng tôi cũng không muốn điều chỉnh, muốn Bộ Tài chính làm cơ quan chủ trì điều hành giá, còn Bộ Công thương phối hợp”.
Ông Hoàng không nói rõ lý do nhưng cũng khẳng định nếu được phân công sẽ sẵn sàng làm đầu mối. Về trách nhiệm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Chúng tôi nhận trách nhiệm trước QH về việc chậm ban hành nghị định (quản lý xăng dầu - PV) này. Xin hứa với QH sau khi Chính phủ xem xét tờ trình gần đây nhất của các bộ, ngành sẽ cố gắng thời gian sớm nhất để ban hành”.
Phần trả lời này của hai vị bộ trưởng được ĐB Lê Thị Nga đánh giá là rõ ràng, thẳng thắn. Tuy nhiên, ĐB Nga cho rằng nếu để giá xăng cho Bộ Công thương quản lý dễ dẫn tới xung đột lợi ích khi bộ này chủ quản Petrolimex, Cục Quản lý cạnh tranh… Vì vậy, Chính phủ phải thận trọng xem xét vấn đề này.
Mong EVN làm gương
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trong đó một số chi phí liên quan đến đầu tư các nhà chung cư, nhà cao tầng, công trình sân tennis... không được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh để tính vào giá thành bán điện. EVN phải bóc tách rõ từng khoản chi công khai, minh bạch.Về giá điện, các ĐB bày tỏ bức xúc của cử tri khi vừa qua Thanh tra Chính phủ kết luận EVN đưa chi phí quản lý, vận hành cả bể bơi, sân tennis vào trong giá thành, đẩy giá điện tăng lên. ĐB đề nghị Bộ Tài chính báo cáo đã thực thi chỉ đạo của Chính phủ làm rõ vấn đề này như thế nào.
Được mời trả lời thêm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân trần, trong 6 nhà máy bị thanh tra mới chỉ có Nhà máy điện Ô Môn 1 có hạch toán các khoản chi phí xây dựng bể bơi, sân tennis vào giá thành điện, nhưng con số này không đáng kể. Còn lại, 5 nhà máy đang chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính, nên EVN chưa hạch toán vào giá thành.
Chưa hài lòng, ĐB Lê Thị Nga bức xúc: “Ở đây có Bộ trưởng Công thương là cơ quan chủ quản của EVN, Bộ Tài chính giám sát quản lý về tài chính, xin gửi tới EVN là tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, cử tri và QH mong muốn EVN luôn gương mẫu đi đầu trong chấp hành pháp luật, kỷ cương tài chính, công khai minh bạch giá điện, làm gương cho các doanh nghiệp khác”.
Cũng liên quan đến giá, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) ghi nhận điểm tích cực trong vận hành trần giá sữa, giá xăng, nhưng ông chưa hài lòng về giá thuốc. ĐB Cương chất vấn: “Thuốc chữa bệnh là mặt hàng thiết yếu, tác động 90 triệu dân nhưng lại bị buông lỏng. Hiện nay, 70% lượng thuốc được phân phối tư nhân, Bộ Tài chính có giải pháp gì quản giá thuốc? Giá thuốc để Bộ Tài chính quản lý hay Bộ Y tế?”.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng vấn đề giá thuốc “vô cùng nhạy cảm”. Theo quy định của luật thì Bộ Y tế chủ trì, Bộ Tài chính phối hợp. Cũng như giá xăng, quan điểm của ông Dũng là bộ chuyên ngành nào phải quản giá ngành đó, vì vậy giá thuốc vẫn phải để lại cho ngành y tế. “Thuốc phức tạp và nhạy cảm lắm, ra cửa hàng họ bảo bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, chỉ có y tế mới biết thành phần và chủng loại thôi”, Bộ trưởng Dũng nói.
Thêm bình luận
Các tin khác
- Giá dầu ngày 3/12 duy trì đà tăng mạnh (Thứ Sáu, 03/12/2021 10:54)
- Giá dầu hôm nay 3/12 tăng sau cuộc họp của OPEC+ (Thứ Sáu, 03/12/2021 10:54)
- Giá xăng dầu hôm nay 3/12: Biến động trái chiều sau khi leo dốc hơn 1% (Thứ Sáu, 03/12/2021 10:54)
- Giá xăng dầu hôm nay 3-12: Tăng nhẹ 1,42% bất chấp quyết định “bơm dầu” của OPEC + (Thứ Sáu, 03/12/2021 10:54)
- Mỹ có thể trì hoãn việc giải phóng dầu dự trữ (Thứ Sáu, 03/12/2021 10:54)
- Giá xăng dầu hôm nay 3/12: Tăng nhẹ (Thứ Sáu, 03/12/2021 10:54)
- Điều gì sẽ xảy ra với các công nhân dầu khí sau quá trình chuyển đổi năng lượng? (Thứ Sáu, 03/12/2021 10:54)
- Sự rút lui của Shell có thể là dấu chấm hết cho việc triển khai mỏ dầu Cambo? (Thứ Sáu, 03/12/2021 10:54)
- Mỹ đánh giá cao quyết định tăng sản lượng của OPEC+ (Thứ Sáu, 03/12/2021 10:54)
- Các ông lớn dầu mỏ châu Âu tăng gấp đôi chi tiêu cho nguồn năng lượng carbon thấp (Thứ Sáu, 03/12/2021 10:54)
Giá xăng Trong nước Thế giới
Sản phẩm | Vùng 1 | Vùng 2 |