HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM

Còn 3 ngày nữa sẽ thay đổi giá xăng

PVN sẽ tham gia mua lại phần vốn của Chevron tại Dự án Khí Lô B

Thứ Bảy, 22/02/2014 12:00
Liên quan đến câu chuyện Tập đoàn Chevron muốn bán lại phần vốn của mình trong Dự án Khí Lô B, Chính phủ mới đây yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đàm phán với đối tác nước ngoài để giành quyền ưu tiên mua mỏ tại Dự án Khí Lô B nhằm khai thác và đưa khí vào bờ.

 

Dự án Khí lô B và 48/95 được các đối tác gồm Mitsui Oil Exploration (Moeco), Chevron, Tổng công ty Thăm dò dầu khí Việt Nam (PVEP) - thành viên của PVN- và Công ty TNHH PTTEP Kim Long Việt Nam ký hợp đồng phát triển hồi tháng 7/2009. Trong đó, Moeco nắm 25,62%, Chevron nắm 42,38%, PVEP nắm 23,5%.

Dự án này được cho là có thể sản xuất lên đến 490 triệu m3 khí đốt và 6.000 - 7.000 thùng condensate mỗi ngày. Quy mô vốn đầu tư của Dự án Khí Lô B ước tính lên tới 4,3 tỷ USD. Dự án cũng được kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu khí đầu vào, đặc biệt là cho cụm nhà máy điện được lập kế hoạch đặt tại Ô Môn (Cần Thơ).

Cùng với Dự án Khí Lô B và 48/95, việc triển khai xây dựng đường ống dẫn khí từ Lô B vào bờ tại Ô Môn, có quy mô ước tính lên tới 1 tỷ USD, cũng đã được khởi công vào cuối tháng 11/2009. Trong Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) - thành viên của PVN chiếm 51%. Các đối tác còn lại gồm Tập đoàn Chevron, Moeco và Công ty khai thác và sản xuất khí PTTEP chiếm 49% còn lại. Các hạng mục chính của Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn bao gồm tuyến ống trên biển dài khoảng 246,4 km và 152,4 km trên đất liền.

Tuy nhiên, sau nhiều năm đàm phán, các bên vẫn chưa thể thống nhất được giá mua bán khí để kết thúc quá trình đàm phán và bắt tay vào phát triển Dự án.

Ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐQT PVN tại cuộc họp báo đầu năm 2014, khi trả lời phóng viên Báo Đầu tư đã cho hay, Khí Lô B là dự án có quy mô lớn, việc đàm phán với các đối tác rất khó khăn, nhất là về giá khí. PVN đã đặt lên bàn đàm phán các tính toán nhưng vẫn không thống nhất được giá khí. Hiện Chevron tạm thời chưa triển khai Dự án và đang tìm đối tác để chuyển nhượng dự án này.

Các nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết, bất đồng khó khắc phục chính là giá khí. Đối tác nước ngoài với kế hoạch khoan ở quy mô lớn đã khiến cho giá khí giữa hai bên chênh nhau khá lớn và phía Việt Nam khó có thể chấp nhận được mức giá khí này.

Trước các thông tin về việc Công ty Dầu khí Ấn Độ ONGC, hay một số đối tác đến từ Nga cũng quan tâm tới việc mua cổ phần của Chevron tại Dự án Khí Lô B, một chuyên gia của Bộ Công Thương tham gia đàm phán Dự án thừa nhận, có nhiều đối tác nước ngoài quan tâm tới việc mua lại cổ phần của Chevron. Tuy nhiên, chưa thể nói được gì nhiều.

Cũng vào giữa tháng 1/2014, ông Đỗ Khang Ninh, Tổng giám đốc PVGas - công ty mà PVN đang thay mặt Nhà nước quản lý tới 97% vốn điều lệ cũng đã mạnh dạn đưa ra đề nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc, cho bán tiếp 20% cổ phần của Nhà nước tại PVGas để có khoảng 1 tỷ USD, mua lại phần vốn của Chevron tại Dự án Khí Lô B để đẩy tiến độ triển khai của dự án này.

Tuy nhiên, không phải tới Dự án Khí Lô B, phía Việt Nam mới quan tâm tới việc mua lại tài sản của các đối tác nước ngoài trong các dự án dầu khí tại Việt Nam. Năm 2010, PVN từng tuyên bố quan tâm tới việc mua lại tài sản của Công ty Dầu khí BP (Anh) gồm 35% cổ phần trong lô 6.1 thuộc bể Nam Côn Sơn về phía Đông Nam thềm lục địa Việt Nam cùng 32,7% cổ phần trong hệ thống đường ống vận chuyển và xử lý dầu khí Nam Côn Sơn và 33% cổ phần trong Nhà máy Điện Phú Mỹ 3, khi đại gia này tìm kiếm tài chính để trang trải những khó khăn trong sự cố tràn dầu tại châu Mỹ.

Tiếp đó, cuối năm 2011, khi Conoco Phillips (Mỹ) muốn bán các tài sản của mình tại Việt Nam gồm 23,3% cổ phần trong một cụm gồm 5 mỏ dầu thuộc Lô 15-1, cùng 36% cổ phần của mỏ Rạng Đông trong Lô 15-2 tại khu vực bể Cửu Long và 16,3% cổ phần đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn với tổng tài sản trị giá khoảng 1,5 tỷ USD, thì PVN cũng lại toan tính mua.

Tuy nhiên, trong cả hai lần, dù có quyền ưu tiên được mua lại so với các nhà đầu tư không tham gia dự án, nhưng cuối cùng, PVN cũng vẫn tay trắng.

Quay trở lại với Dự án Khí Lô B, để không phụ thuộc vào tiến độ của nguồn khí này, hàng loạt dự án điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn đã được điều chỉnh tiến độ. Theo đó, tại Văn bản 2414/2013/QĐ-TTg, các dự án nhiệt điện trong Trung tâm Điện lực Ô Môn sẽ được đưa vào đồng bộ với dự án đưa khí từ Lô B vào bờ, chứ không xác định chính xác thời điểm như trước đó.


Nguồn: Baodautu.vn

Thêm bình luận

Họ tên
Email

Giá xăng Trong nước Thế giới

Sản phẩm Vùng 1 Vùng 2
Đối tác