Tăng giá xăng dầu - Người tiêu dùng “bình thản”
Giá được điều hành theo “thị trường”...
Như vậy tính cả hai lần tăng giá gần nhất từ đầu năm đến nay, thì giá xăng dầu đã 10 lần điều chỉnh với năm lần tăng và năm lần giảm. Theo đó, xăng là mặt hàng duy nhất từ đầu năm không giảm giá mà chỉ có tăng với tổng mức tăng năm lần là 1.430 đồng; dầu hỏa với tổng mức tăng từ đầu năm là 940 đồng và chỉ giảm với tổng mức 260 đồng; dầu mazut, tổng mức tăng là 600 đồng và mức giảm là 320 đồng. Chỉ có dầu diezel với tổng mức tăng từ đầu năm là 770 đồng và tổng mức giảm là 820 đồng.
Khẳng định việc điều chỉnh giá xăng dầu vẫn tuân thủ theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15-10-2009 của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương cho biết, giá cơ sở được tính bình quân của 30 ngày sát với ngày tính giá cơ sở. Có nghĩa là giá xăng dầu của Việt Nam tại thời điểm này phải được tính bình quân 30 ngày trước.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương cũng thông tin, sắp tới, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 246/TB-VPCP ngày 27-6-2014, nền kinh tế Việt Nam phải vận động theo các quy luật của thị trường, trong đó, yếu tố giá phải được tính đúng, tính đủ theo thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ có chính sách phù hợp để hỗ trợ cho các đối tượng nghèo, đối tượng chính sách.
Về cơ quan điều hành giá bán lẻ xăng dầu, Thứ trưởng Hải cho biết: Bộ Công Thương chủ trì Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu và điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu; Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá, chủ trì hướng dẫn việc trích lập, quản lý, sử dụng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Về chu kỳ tính giá cơ sở: giá cơ sở được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá cơ sở. Không bổ sung mức chi sử dụng quỹ bình ổn giá là yếu tố cấu thành giá cơ sở.
Còn về biên độ điều chỉnh giá xăng dầu, theo ông Hải sẽ thực hiện theo ba mức là từ 3% trở xuống, từ trên 3% đến 7%, từ trên 7%.
“Trong đó xác định rõ thẩm quyền thương nhân đầu mối được quyết định tăng giá trong phạm vi 3%, phạm vi trên 3% đến 7% thì Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định, từ trên 7% thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ” - ông Hải thông tin.
Cũng thông tin chung quanh việc tăng giá xăng thời gian qua, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính), từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có 10 lần điều chỉnh, trong đó có năm lần giảm giá và năm lần tăng giá.
“Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm giá chỉ diễn ra đối với các mặt hàng dầu diezel, dầu hỏa. Mức giảm cũng khá khiêm tốn” - ông Tuấn nhìn nhận.
Giải thích về việc giá xăng tăng, Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: “Theo quy định về điều hành giá xăng dầu thì chu kỳ tính giá là 10 ngày, lưu thông 30 ngày nên tính từ ngày 23-6 đến 7-7 đã là hơn 10 ngày. Việc điều chỉnh giá đã được tính toán rất kỹ theo hướng kiềm chế bằng cách sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá. Nếu không dùng quỹ bình ổn thì xăng dầu sẽ tăng giá nhiều hơn nữa”.
Theo ông Tuấn: “Tại lần điều chỉnh giá ngày 7-7, giá xăng đáng lẽ phải tăng 918 đồng/lít nhưng do đã trích quỹ bình ổn xăng dầu 500 đồng/lít, nên giá xăng chỉ tăng trần 410 đồng/lít”.
Đại diện Cục Quản lý giá cũng khẳng định việc điều hành giá hoàn toàn phù hợp với quy định cho phép của Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra, mỗi lần điều chỉnh tăng giá mặt hàng xăng dầu, cơ quan quản lý đều có đánh giá tác động tới chỉ số giá tiêu dùng và quyết định điều hành giá theo thị trường, có sự kiềm chế bằng quỹ bình ổn.
Người tiêu dùng “khéo co” nhưng… không "ấm"
Quả thật, cứ mỗi lần giá xăng tăng là mỗi lần thêm sức ép đè nặng lên đời sống người lao động, và chỉ trong vòng có hơn 10 ngày mà giá xăng đã tăng tới 700 đồng/lít cũng đã gây áp lực thêm cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách.
Anh Phạm Thắng, lái xe taxi của hãng Mai Linh ngao ngán, từ hôm 7-7 tăng giá xăng nhưng Công ty vẫn chưa điều chỉnh mức giá cước nên hai hôm nay chạy càng nhiều thì càng thấy như “mất tiền”.
“Công ty thực hiện cơ chế khoán, lái xe bọn em chỉ góp nhặt và tích tiểu thành đại nhưng giá xăng tăng thế này thì thiệt thòi cho những người lái xe như bọn em quá. Nhưng thôi, quen rồi!” – anh Thắng than phiền.
Là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận chuyển toàn cầu (WorldWide Trans Co.,Ltd) cho biết: “Công ty thường ký các hợp đồng vận tải tuyến cố định và dài hạn nên việc tăng giá cước vận chuyển ngay lập tức theo giá tăng của xăng dầu là không thể”.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, Công ty cũng đã có những dự tính kỹ với các biến động giá xăng dầu để có phương án điều chỉnh giá cước, theo đó nếu như giá xăng dầu tăng hơn 5% thì công ty mới thực hiện phương án điều chỉnh giá cước.
Một số doanh nghiệp vận tải đều có chung quan điểm, cho rằng việc tăng giá xăng dầu trong bất cứ thời điểm nào đều ảnh hưởng trực tiếp cơ cấu giá thành đầu vào. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải cũng cho biết cũng đã lên kế hoạch để thực hiện cơ chế điều chỉnh giá cước linh hoạt khi giá nhiên liệu tăng hoặc giảm.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, các hội viên của hiệp hội cần chấp nhận sự tăng-giảm của giá xăng dầu theo quy luật thị trường; và rằng, các doanh nghiệp vận tải cũng phải làm quen với điều này.
Theo ông Liên, “các doanh nghiệp vận tải cần phải xây dựng cho mình một kế hoạch để thích ứng được những đợt sóng tăng-giảm giá xăng dầu”.
Nhìn chung, ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu hàm chứa yếu tố tiêu cực dễ thấy trong ngắn hạn như xáo trộn tâm lý, tăng giá và sức ép tăng giá lên các mặt hàng tiêu dùng khác, gây bất lợi trong khu vực kinh doanh của các ngành nghề...; nhưng rõ ràng, do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu mà đa số mọi người dân, mọi ngành đều tiêu dùng hàng ngày nên ảnh hưởng tâm lý thường sâu và rộng là điều không tránh khỏi.
“Nếu có những tính toán cụ thể được công bố để thuyết phục người dân, hiệu ứng trấn an tâm lý và do đó là bình ổn giá có thể có hiệu quả” - TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR phân tích.
“Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận yếu tố tích cực trong dài hạn, như giảm thất thu ngân sách từ buôn lậu xăng ở biên giới, giảm méo mó trên thị trường do các hình thức trợ cấp nói chung, giảm sức ép thâm hụt ngân sách và do đó là sức ép vay nợ hoặc đánh thuế của Chính phủ trong tương lai” - TS Thành nói.
Thêm bình luận
Các tin khác
- Dự báo đến năm 2030 nhu cầu dầu mỏ sẽ chững lại (Thứ Năm, 26/10/2017 08:13)
- Lại ấn định thời điểm đưa xăng sinh học ra thị trường: Có hay không lợi ích nhóm? (Thứ Tư, 16/07/2014 12:00)
- Iran, Nga thành lập Ủy ban Hợp tác khí đốt chung (Thứ Tư, 16/07/2014 12:00)
- Tảu chở dầu Iran vẫn tiếp tục bị cấm vận (Thứ Tư, 16/07/2014 12:00)
- Hoàn thành bảo dưỡng Nhà máy lọc dầu Dung Quất trước thời hạn 5 ngày (Thứ Ba, 15/07/2014 09:40)
- Vì sao giá xăng dễ tăng, khó giảm? (Thứ Hai, 14/07/2014 12:00)
- Rò rỉ dầu làm dấy lên lo ngại về môi trường tại tỉnh Santos Basin (Brasil) (Thứ Sáu, 11/07/2014 12:00)
- Giá cước taxi sắp tăng thêm 1.000 đồng/km (Thứ Sáu, 11/07/2014 12:00)
- Sharara dự kiến phục hồi sản xuất trong hôm nay (Thứ Năm, 10/07/2014 12:00)
- China National thắng thầu hợp đồng đường ống dẫn khí Reliance ở Ấn Độ (Thứ Năm, 10/07/2014 12:00)
Giá xăng Trong nước Thế giới
Sản phẩm | Vùng 1 | Vùng 2 |