HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM

Còn 10 ngày nữa sẽ thay đổi giá xăng

Vì sao giá xăng dễ tăng, khó giảm?

Thứ Hai, 14/07/2014 12:00
Sau nhiều năm “nghiền ngẫm”, mới đây, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu cũng được Bộ Công thương hoàn tất, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Với mục tiêu giúp công tác điều hành chặt chẽ hơn, minh bạch hơn giúp kỳ vọng giảm giá xăng được người dân mong chờ.

 

Sẽ tăng số lượng nhà phân phối

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận, Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu đã được ban hành 5 năm nay và sớm bộc lộ bất cập do cơ chế quản lý giá xăng dầu chưa sát với thị trường, khiến doanh nghiệp xăng dầu không tự chủ được hoạt động kinh doanh, quỹ bình ổn xăng dầu chưa minh bạch.

Do đó, doanh nghiệp xăng dầu, người dân đều mong muốn có một Nghị định mới về quản lý xăng dầu sớm được ban hành, nhưng Nghị định mới phải giải quyết được những bất cập cũ, để khi ban hành thực sự đi vào cuộc sống.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Nghị định mới sẽ tăng số lượng nhà phân phối xăng dầu, hạn chế tình trạng độc quyền, tiến đến thị trường hóa lĩnh vực xăng dầu; đồng thời tăng tính công khai, minh bạch công tác quản lý xăng dầu và phục vụ được quyền lợi của người tiêu dùng.

Nghị định mới cũng rút ngắn chu kỳ tính giá cơ sở theo mức tính bình quân của 15 ngày đầu chu kỳ dự trữ bắt buộc. Việc trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tiếp tục được thực hiện theo nguyên tắc thường xuyên, liên tục và đảm bảo công khai, minh bạch. Biên độ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu sẽ chia theo 3 mức: Dưới đến bằng 3%; từ trên 3% đến 7% và trên 7%...

Sở dĩ Nghị định thay thế Nghị định 84 chậm ban hành, theo lý giải của lãnh đạo Bộ Công thương, vì đây là văn bản pháp luật liên quan đến nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp và liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, nên có nhiều ý kiến đóng góp với nhiều phương án cần bàn bạc, thảo luận. Trước đó, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng đã nhận trách nhiệm trong việc chậm trễ ban hành Nghị định mới này.

Giá xăng khó giảm

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, dù Nghị định mới về quản lý kinh doanh xăng dầu có được ban hành thì cũng sẽ khó tác động để kéo giảm giá xăng dầu bởi các mức thuế, phí đánh vào xăng dầu vẫn giữ nguyên và hiện mức thuế, phí này chiếm hơn 40% cơ cấu giá thành xăng dầu.

Tại buổi họp báo của Bộ Tài chính ngày 8/7, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá lần đầu tiên công khai cơ cấu tính giá thành xăng dầu. Theo đó, một lít xăng RON 92 về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu (18%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế bảo vệ môi trường (1.000 đồng), thuế giá trị gia tăng (10%), tương đương 8.244 đồng.

"Thời gian qua, việc điều chỉnh giá xăng dầu đã được tính toán rất kỹ với mức tăng rất kiềm chế, nếu không sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá, giá xăng còn tăng cao hơn nữa”.

Cục trưởng Cục Quản lý giá - Nguyễn Anh Tuấn

Ngoài thuế, xăng còn phải “cõng” một lô phí: chi phí kinh doanh, chi phí bảo hiểm và vận chuyển, chi phí trích Quỹ Bình ổn giá... Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thuế xăng dầu là một khoản thu quan trọng của ngân sách nên phải cân nhắc rất kỹ, không dễ gì điều chỉnh tăng hoặc giảm.

Là “người trong cuộc”, Tổng Giám đốc Saigon Petro Đặng Vinh Sang thừa nhận, thuế phí chiếm một tỷ lệ lớn cấu thành giá xăng dầu, tuy nhiên đây là thuế thu vào ngân sách Nhà nước và mức thuế do cơ quan chức năng ban hành, nên các doanh nghiệp xăng dầu chỉ còn cách tính vào giá bán.

Tương tự, lãnh đạo của một doanh nghiệp xăng dầu lớn tâm sự, bản thân doanh nghiệp cũng không muốn giá bán lẻ xăng dầu cao vì điều đó tạo sức ép lên doanh nghiệp khi phải trực tiếp đối diện với sự bức xúc của người tiêu dùng. “Nhưng thuế là quy định pháp luật, và đây cũng là một nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia nên không dễ gì có chuyện giảm thuế xăng dầu”, vị lãnh đạo này nhận định.

Nguồn: Giaothongvantai

Thêm bình luận

Họ tên
Email

Giá xăng Trong nước Thế giới

Sản phẩm Vùng 1 Vùng 2
Đối tác